Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2008

Sài gòn ra Hà nội

Trên chuyến bay ra Bắc, tôi mở tạp chí Heritage của Vietnam Airlines ra đọc và ngạc nhiên thấy địa danh Sài Gòn được dùng rất tự nhiên, như thể đấy mới là tên gọi chính thức của đô thị lớn nhất Việt Nam.
Không kể bài về khu Nam Sài Gòn, các bài khác về chủ đề văn hóa, xã hội đều gọi Sài Gòn một cách bình thường. Thậm chí có bài song ngữ, phần tiếng Việt viết "Sài Gòn" còn bản tiếng Anh lại để là TP Hồ Chí Minh.
Ra đến Hà Nội, ngồi lên taxi thấy ngay trước mặt dòng chữ "Taxi Sao Sài Gòn" và nghe người lái hỏi: "Anh ở Sài Gòn ra?". Đi qua ga Hàng Cỏ thấy dòng chữ chạy trước mắt trên bảng điện tử: "Tuyến tàu Hà Nội - Sài Gòn".
Ta đi Sài Gòn
Gần như chính thức cái tên Sài Gòn cũng trở lại mặt báo, trên truyền thông, trong giao thông công cộng. Chỉ có đi máy bay thì vẫn nghe đều đặn "Hàng khách đi chuyến bay VN...đi TPHCM ra cửa số...".
Phải chăng tàu hỏa thì bình dân hơn nên dễ "Sài Gòn hóa" hơn phi cơ vốn nhiều quan chức bay đi bay lại? Nhưng ra khỏi Việt Nam hay bay về nước thì lại thấy ngay ký hiệu chuyến bay từ lâu nay vẫn là SGN. Lịch sử quả là kỳ lạ.
Thực ra, theo tôi biết, việc dân chúng sống ở phía Nam và nhất là trên địa bàn TPHCM đã có những cách dùng hai chữ Sài Gòn hay gọi tên thành phố này theo kiểu riêng của họ từ lâu nay.
Nhưng tại Hà Nội, việc Sài Gòn trở lại trong ngôn ngữ và báo chí, văn hóa có phần mới và đậm nét đáng chú ý.
Nếu để ý kỹ thì sẽ thấy việc dùng cách tên ngoại tỉnh hay ngoại quốc ở Hà Nội là một trào lưu có từ mấy năm nay.
Hà Nội nay đang mở rộng ra nhiều vùng phụ cận
Tâm lý "thương nhớ đồng quê" - một chỉ dấu về gốc tích làng xã của nhiều người sống ở thủ đô, được thể hiện trong các biển hiệu: "Gà đồi, lợn Mán, cơm quê", "Vịt Lạng Sơn", "Gà Mạch Hoạch", (có chỗ viết là Mạnh Hoạch), hay các món "cơm niêu", "cháo cá".
Rồi gần thì bánh cuốn Thanh Trì, rượu làng Vân, xa thì quán Huế, phở Nam Định, mì Quảng...cũng Việt Nam ta cả thôi nhưng nghe cũng khoái khẩu ra phết. Xa và lạ hơn chút nữa thì "Lẩu Tứ Xuyên", "Bia Đức, Xúc-xích Tiệp" đủ kiểu.
Ngoài ra, cứ ngồi trên taxi lúc kẹt xe mà nhìn biển phố thì còn thấy đủ kiểu cách ghép thương hiệu, biển hàng pha trộn Âu-Á hoặc chơi nguyên tiếng Anh, tiếng Pháp. Nào Cà phê Honey, Laptop Khoa Nam, Phở Bò nằm cùng Games Online.
Xuyên vùng văn hóa
Một nhịp của toàn cầu hóa chính là việc tự kiến tạo bản sắc của mỗi người hay từng nhóm người qua sinh hoạt, tiêu dùng, dựa vào những nhãn hiệu, thương hiệu tự chọn, tự chế biến. Tính cách xuyên vùng văn hóa là một trào lưu không tránh khỏi.
Trong bối cảnh đó, tôi tin rằng nhãn hiệu Sài Gòn có vẻ như được dùng để mô tả những gì có phần mới lạ, hiện đại hơn những thứ vịt gà hay cơm cháo kể trên.
Nó nằm trong dòng trở lại những cái tên thời Pháp, thời Mỹ mà người nước ngoài dùng để đặt cho khu vực này. Cứ để ý sẽ thấy những chữ như Indochine, thậm chí Tonkin hay Orient nay được dùng khá nhiều trong mảng liên doanh, đầu tư du lịch.
Nhưng cách dùng hai từ Sài Gòn không chỉ có vậy.
Theo tôi, trong trái tim người Hà Nội và những người mang tâm thức Bắc Hà chân chính, Sài Gòn luôn chiếm một vị trí đầy tình cảm. Cảm giác vừa tự hào vì đó là miền đất cha ông gây dựng được, vừa thương, vừa nể, vừa mặc cảm có lỗi gì đó với Sài Gòn, nhất là vì giai đoạn sau 1975, luôn bâng khuâng trong tâm trí.
Kể từ thời Pháp, rồi sang đến thời đất nước bị chia làm hai, Sài Gòn là nơi người Bắc hướng đến.
Cảnh Sài Gòn nhìn từ một cao ốc gần trung tâm thành phố
Trong làn sóng mở cửa, người Hà Nội, cả gốc Hà thành và những người đến sống một hai thế hệ nhưng hấp thụ văn hóa Thăng Long, đã và đang chứng kiến một cuộc xâm nhập ào ạt, nóng hổi thời Đổi Mới của quan chức và người dân các tỉnh. Lúc đó, họ lại càng thầm thông cảm với tâm trạng của người Sài Gòn sau 1975.
Bây giờ dù mức sống hai thành phố đã không còn khoảng cách xa như thập niên 70, với người Hà Nội thì Sài Gòn xưa và nay, vẫn đậm chất Pháp, chất Mỹ và nét miền Nam ngày trước.
Với cả nước, đây vẫn là cửa ngõ lớn nhất hướng sang Hoa Kỳ vì chỉ người Sài Gòn mới thực sự có liên hệ gia đình đông đảo với khối Việt Kiều ở Bắc Mỹ, còn quan hệ với Phương Tây của Hà Nội vẫn nặng tính quan chức, ngoại giao.
Nhưng cũng phải nói rằng trong tình cảm dành cho Sài Gòn, người Hà Nội cũng có đôi điều ghen tị pha lẫn tự hào riêng về phong cách người ta cho là thuần Bắc.
Ý thức hệ cộng sản - tư bản và cuộc chiến vài chục năm trước giữa hai chính thể cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc hai thành phố. Chính vì thế, người ta đã phản ứng mạnh trước những lời chê bai Hà Nội một cách thô ráp của một cô bé blogger từ Sài Gòn ra hồi 2007.
Chính trị Việt Nam là chính trị Hà Nội và sẽ còn như thế trong nhiều năm tới. Nhưng theo tôi, sự cạnh tranh, đi cùng giao lưu giữa hai đô thị này sẽ còn tăng, với Sài Gòn trở thành một điểm đối trọng quý báu và cần thiết.
Và như sự trở lại Hà Nội một cách tự nhiên của cái tên Sài Gòn cho thấy, việc xích lại gần nhau không đến từ những mệnh lệnh chính trị, mà từ sinh hoạt của người dân, từ các dòng chảy của văn hóa của ẩm thực sôi động.
Ra phố Vọng buổi tối, thấy tấm biển sáng choang "Tẩm quất Sài Gòn" thì tôi cũng "choáng" luôn. Đấm bóp kiểu Sài Gòn là kiểu gì thế, có đê mê hơn kiểu Thanh Hóa hay Nghệ Tĩnh? Hai chữ Sài Gòn đã đi vào tận da thịt người Hà thành thế này thì chỉ còn cách ngả mũ chào sức sống dân gian!

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2008

Sức mạnh của ngôn từ

Để khen nhau mà nói “hơi bị đẹp đấy” thì đã lạ rồi, nhưng tấm tắc khen nhau “hơi bị đểu đấy” thì các cụ nhà ta sống lại chắc không tài nào hiểu nổi bọn con cháu định nói gì.
Bởi nó “ngược đời” !Bởi đó là kiểu ngôn từ đã bị lộn ngược !
Thứ ngôn ngữ lộn ngược này, tuỳ theo tạng của mỗi người, ta có thể thích hoặc không thích, nhưng sự tồn tại một cách rất có sức sống của nó khiến tôi giật mình. Hegel chẳng nói : cái tồn tại là cái có lý đó sao ?
Mà có lý thật.
Hãy nói về chữ “Bị”. “Bị” vốn là một từ biểu hiện ý niệm thua kém, tiêu cực, như bị thua, bị xấu, bị lỗ vốn, bị khinh … Nhưng nay lại có “bị đẹp” , “bị ngon” , “bị tuyệt vời” … thì thật trái khoáy !. Lạ nữa là nếu thêm một từ chỉ sự hạn chế như “hơi” (nghĩa là chỉ một chút thôi) thì giá trị muốn khen lại còn tăng lên gấp bội. Hơi bị đẹp là rất đẹp. Hơi bị tuyệt vời là tuyệt vời vô cùng.
Đến một lúc ta lại khám phá ra rằng, trong các cụm từ gồm những yếu tố ngược nhau, chống nhau kia toát lên một ẩn ức : Dường như người nói phải khẳng định một giá trị mà biết chắc là sẽ rất nhiều người muốn phủ định. Hơn thế, người nói dường như biết mình là thiểu số, là không chính thống, nhưng lại tin chắc sự thật và cái đúng nằm ở phía mình. Ngôn ngữ được phát ra trong một tương quan tranh chấp.
Khen một người đẹp, một hành động đẹp đích thực mà phải nói là “bị đẹp” ? Khẳng định là rất đẹp nhưng cũng chỉ dám nói là “hơi bị đẹp” thôi !. Sự “khiêm tốn”, nhượng bộ ấy cho thấy người nói tự biết mình đúng, nhưng vẫn phải cố nói cho “phải đạo”, như thể đang đứng trước những người đã trực sẵn để chống lại ý kiến của mình vậy.
Nhưng sự khiêm tốn ở đây xem ra chỉ là khiêm tốn bất đắc dĩ, bên trong vẫn như ngầm chứa một sự đối chọi, lại còn đùa cợt, trêu ngươi. Tuy đã rất khiêm tốn, người nói vẫn khẳng định lập trường khen chê của mình. Thậm chí hiệu quả tương phản của ngôn ngữ khiến cho càng bị nén xuống thì sự khẳng định lại càng tăng lên.
Vả lại, nói ngược chắc gì đã ngược, chữ “bị” chắc gì đã là thua kém. Chẳng hạn ”Bị” làm đày tớ thì sướng hơn cái “được” làm chủ rành rành rồi. Trong một không gian đảo lộn thật giả thì có khi nói ngược mới chính là nói xuôi.
Vậy chính bối cảnh xã hội đã tạo ra tâm lý thích nói ngược, và nhu cầu phải nói ngược !
Nhưng dù gì đi nữa, sự xung đột giữa hai thành phần đối chọi nhau trong các cụm từ có chữ “bị” này cũng cho ta thông điệp về một sự dồn nén, tranh chấp, cọ xát giữa những giá trị đang bị đảo lộn (hoặc do chênh nhau về thế hệ, hoặc bởi danh một đường thực một nẻo; hoặc bởi thang giá trị đã bị lộn ngược, quay đầu xuống đất, cái tử tế bị coi là tồi tàn, cái tồi tàn thì lên ngôi chúa tể), và tất yếu phải đấu tranh để xác lập lại thang giá trị ấy.
Bây giờ nói về chữ “Đểu”
“Đểu” là một cái gì đó xấu xa, tồi tàn, lừa đảo, mất dạy … khỏi cần nói. Nhưng ĐỂU lại ghép với một danh từ, tính từ hay động từ mang nội hàm tử tế, tốt đẹp, đạo đức … thì xưa nay chưa có bao giờ. Ví dụ xưa nay vẫn nói “thằng đểu” chứ không thể ghép với chữ ông thành “ông đểu” được.
Nhưng đây, tôi ví dụ. Trước ngày 30-4-1975 thì đài (máy thu thanh) còn quý lắm. Mấy thằng ma-cô ăn mặc giả bộ đội, thấy một ông già ngồi nghỉ ở chỗ vắng, đang nghe chiếc đài Xiang-Mao. Chúng xán đến chào hỏi lễ phép, rồi nói với vẻ quan tâm:
- Bố có cái đài đẹp quá, (rồi chìa tay ra), bố cho con xin nhé, thôi tặng con đi, bố già rồi, giữ lấy sức khoẻ mà sống, nghe làm gì ?
Nếu hiểu “ngôn ngữ của thời đại” và tình huống bất khả kháng của mình thì ông già hãy ngoan ngoãn biếu chiếc đài đi để được yên thân. Nếu ngoan cố chống lại thì chẳng những mất cái đài mà còn xơi thêm mấy cái tát hay gì nữa cũng chưa biết chừng. Động tác “xin” của chúng như thế là một bài giảng về khái niệm “xin đểu” !. Một động tác cướp nhưng không phải cướp giật, mà là “xin” !. Xin và tặng vốn là những động tác của sự lịch sự, thân ái !
Tôi nhớ trong một tuyện ngắn, nhà văn Bùi Minh Quốc đã gọi mẹo ấy là “biến cuộc trấn lột thành một cuộc hiến dâng tự nguyện”. Thật chí lý. Đầy tính “thời đại” (!). Những chuyện xin đểu, giúp đểu, quan tâm đểu, phục vụ đểu, đổi mới đểu, thân ái đểu, nhân ái đểu … (mà thực chất là ăn cướp, là trấn lột) bây giờ đã nhan nhản ra rồi. Trong những quán “cơm tù” chúng cũng phục vụ nhân dân đấy nhưng là “phục vụ đểu” !
Đấy là “đểu” ghép với động từ hoặc tĩnh từ.
“Đểu” cũng có thể ghép với một danh từ hàm ý tử tế.
Một lần ra chợ giời, tôi mua về một chiếc radio-cassette hiệu Sony, còn khá mới, giá lại khá rẻ, nhưng lắp băng vào nghe được một lúc thì băng rối, cố mở ra thì núm văng một đằng, bánh xe một nẻo. Anh bạn tôi liền ái ngại và riễu tôi : “Thôi thôi bố ơi, bố mua phải “Sony đểu “ rồi!”. Sony là một thương hiệu có uy tín, ghép với chữ đểu tạo thành một từ đầy ấn tượng. Nếu gọi là Sony giả, Sony rởm thì mất hết giá trị trong ngôn ngữ. Phải là “Sony đểu” mới lột được cái thần của thực trạng. Hàng giả, hàng rởm … là những từ chết. “Hàng đểu” là ngôn ngữ sống động không thể thay thế, nó không chỉ thông báo về chất lượng món hàng, mà nó thông báo toàn cục, cả tâm địa, cung cách, trào lưu, khung cảnh, nền tảng, nguy cơ … và cả cảm xúc của người nói nữa, nghĩa là toàn bộ bối cảnh, toàn bộ “sinh thái học” của vấn đề.
Nhưng, ở một xứ sở toàn những mẹo Trạng Quỳnh thì sẽ có mẹo để chống lại mẹo, sẽ có “đểu” trị lại “đểu”, sẽ có “đểu” lương thiện chống lại “lương thiện đểu” ..v…v.., (rồi phải có “đểu” cương trực, “đểu” khôn ngoan, “đểu” tử tế nữa). Thế là một lần nữa, ngôn ngữ lại phải lộn ngược, và khi ấy những người tử tế lại phải khen nhau “hơi bị đểu đấy !” (trong tổ hợp này thì chữ “đểu” lại đóng vai nhân tố tốt đẹp, “đểu” tương tự như “đẹp”, nên vẫn ngược chiều với chữ “bị”, theo đúng nguyên tắc tương phản của cách diễn đạt này). Viết một câu đối ra mà được bạn bè gật gù, tủm tỉm phán rằng: “Hơi bị đểu đấy !” thì có thể yên tâm mở rượu ăn mừng. Ngôn ngữ quỷ quái thật.
Nói đến chữ ĐỂU tôi rất phục sự phát hiện của một cây bút tên là Bắc Hà mà tôi chưa có hân hạnh biết là ai. Bắc Hà viết về một nghề cổ truyền của đất Cổ Nhuế rất dễ thương với lời ca “ba sẵn sàng” : Thanh niên Cổ Nhuế xin thề, chưa đầy hai sọt chưa về quê hương. Bắc Hà viết rằng Cứt rất có giá nên người ta trộn cả đất vào để tăng trọng lượng. Cứt không đúng là cứt thì gọi là cứt đểu. (Trong tổ từ này Cứt là một giá trị đẹp, hữu dụng, tương phản với chữ đểu là từ có nghĩa xấu). (Mới đây trong vụ án siêu nghiêm trọng mà đại tướng Võ Nguyên Giáp, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh và nhiều tướng lĩnh anh hùng của ta yêu cầu Bộ Chính Trị phải đem ra xét xử và nghiêm trị, ông Bắc Hà này còn phát hiện ra khái niệm “Chủ tịch nước đểu”, “đại tướng đểu” nữa !)
Kinh tế hàng hoá thật lắm chuyện. Nhưng ham lợi trước mắt mà tàng trữ “hàng đểu” thì tội to, lợi bất cập hại đấy !.
Đến đây, tôi phải mở ngoặc, xin bạn đọc một phút thôi, kẻo vô tình ta xúc phạm đến phẩm chất của Cứt. Cố thi sĩ Phùng Cung có bài ca ngợi phẩm chất ấy như sau: “Cứt không thèm với tay vịn gió đổi mùi, và nguyện hôi thối hết mình để người đời khỏi ngộ nhận ...”. Cứt tự biết mình là thối, lại nguyện hôi thối hết mình để người đời khỏi ngộ nhận. Cái đức “chân thật” đó của Cứt thật đáng ngợi ca thay ! Lương thiện thay ! Cố bốc thơm mà làm gì ?
Trở lại câu chuyện ngôn ngữ.
Ngôn ngữ là một kho tàng văn hoá. Nó là phương tiện giao lưu, phương tiện truyền bá toàn diện nền văn minh, làm cho thế hệ sau tiếp nhận được hết các thành quả của thế hệ trước, đứng lên vai thế hệ trước mà tiến xa hơn. Nhưng chính ngôn ngữ cũng là một thể sống, nó hút sinh khí của môi trường giao tiếp mà tu chỉnh, mà nâng cao, mà sinh sản nữa.
Thời đại nào đẻ ra ngôn ngữ ấy. Thời đại của Tin học, của máy vi tính cho ta khái niệm “nén thông tin”. Vẫn nội hàm ấy, nhưng tuỳ độ nén mà tạo ra các dạng thông tin khác nhau. Thử đem khái niệm ấy vào văn học : Thông tin từ cõi nhân sinh thì mênh mông vô tận, nhà văn nén nó vào tiểu thuyết, nén nữa thành các truyện ngắn, nén nữa thành thơ, nén nữa thành câu đối, nén nữa thành các khái niệm, ngôn từ. Sức đúc kết của ngôn từ thì thật kinh khủng.
Những danh từ như Cách mạng, Dân chủ … thật tối thiêng liêng, nhưng nếu không thực tâm vì Nhân dân, vì Đất nước mà để cho Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ ỷ thế làm càn, hại dân hại nước thì miệng người đời ngọng gì mà không kèm một chữ “đểu” theo sau ?. Bao nhiêu năm trời dân mới sáng tác được, mới nén được một chữ “đểu” của mình, hẳn dân biết dùng cho đích đáng.
Nhân nhắc đến câu đối, tôi nhớ hai câu thách đối mà tôi cho là cô đọng và khó đối nhất trong các câu đối hiện đại. Một câu là chữ nghĩa văn chương, của Phan Hiền, đăng báo Quân đội Nhân dân đã lâu lắm. Thách đối như sau : “Sai đâu sửa đấy, sai đấy sửa đâu, sửa đâu sai đấy !”. Chữ nghĩa tối giản, lộn ngược lộn xuôi, luẩn quẩn, tráo đi tráo lại, mà ý tứ thì hàm xúc vĩ mô, bình luận cả ngày không hết !. Còn câu kia là một câu thách đối thuộc ngôn ngữ “tếu táo” lưu truyền trong dân gian, nhưng gói ghém toàn bộ tính chất và hiệu quả của nền kinh tế chỉ huy và phân phối bao cấp : “Cái cứt gì cũng phân, mà phân thì như cứt !”. Ôi, lại Phân với Cứt, những từ ngữ sao mà vĩ đại !
Những Câu đối tài như thế, lắt léo như thế, bao trùm như thế thì kể cũng “hơi bị đểu” và “hơi bị tuyệt vời” thật ! Biết khen thế nào khác được ?
Câu đối là thể loại đã nén thông tin rất cô đọng, nhưng đến đơn vị cơ bản là những ngôn từ thì sức nén còn cô đọng hơn. Chỉ một chữ “BỊ”, một chữ “ĐỂU” thôi, được sử dụng một cách “tai quái” và bi hài như vừa phân tích trên đây đã nén vào trong nó thông điệp của cả một thời, một thời có một không hai trong lịch sử dân tộc ta vậy.
(Lược trích bài của tác giả HSP )

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2008

Cột cờ Hà nội


Cột cờ Hà Nội được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (vào năm 1812). Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột.Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch.

Tầng 1: Mỗi chiều 42,5 m; cao 3,1 m

Tầng 2: Mỗi chiều 27 m; cao 3,7 m; có 4 cửa, trừ cửa Bắc, 3 cửa còn lại đều có đắp 2 chữ tuỳ theo từng hướng: Cửa Đông - Nghênh Húc (đón nắng ban mai) Cửa Nam - Hướng Minh (hướng về ánh sáng) Cửa Tây - Hồi Quang (ánh sáng phản hồi)

Tầng 3: Mỗi chiều 12,8 m; cao 5,1 m Từ tầng 1 đến tầng 3 đều có cầu thang xoắn dẫn lên.Trên tầng 3 là thân cột Cờ hình trụ có 8 cạnh thon dần lên phía trên, mỗi cạnh 2,13 m với thân cao 18,2 m. Trụ hình thang xoáy trôn ốc gồm 54 bậc; được rọi sáng (và thông hơi) bằng 39 ô cửa sổ hình hoa thị và 6 ô cửa sổ hình dẻ quạt. Những ô cửa này được đặt dọc các cạnh, mỗi cạnh có tới 5 hoặc 6 cửa sổ.

Đỉnh cột cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3 m có 8 cửa sổ tương ứng 8 cạnh. Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính 0,4 m và cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cao 8 m).

Toàn phần xây từ đế đến trụ này cao 33,4 m gồm 3 tầng đế cao 12 m, cột cao 18,2 m, lầu 3,3 m. Nếu kể cả trụ treo cờ thì trên 40 m.

Hiện Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Quân đội), trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2008

Bán xe Mátđa lần 2

Không ai đấu giá lần đầu ( với giá khởi điểm 80 triệu)
Sẽ phải tổ chức lại lần 2 với giá khởi điểm 60 triệu.
Liệu có ai trả giá không ?
Hãy chờ xem .
Và còn đoàn Comatce 01 phải đấu giá đến lần thứ 3 chưa biết có thành công hay không...
Còn quá nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ khi định giá...

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2008

Cửa ô -16 xưa và 6 ngày nay

Sưu tầm lịch sử ta thấy
Từ đời nhà Nguyễn. Sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ XIX cho biết Hà Nội có 21 cửa ô. Song, sách này lại không kể đầy đủ tên 21 cửa ô kia. Phải đợi đến năm 1831, khi hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến dựng bản đồ Toà thành Hà Nội, mới thấy ghi lại vị trí và tên 16 cửa ô: ô Yên Hoa nay là ngã ba đê Yên Phụ - đường Thanh Niên, ô Yên Tĩnh nay là ngã ba đê Yên Phụ - Cửa Bắc, ô Thạch Khối nay là đầu dốc Hàng Than, ô Phúc Lâm nay là đầu phố Hàng Đậu, ô Thanh Hà nay là ô Quan Chưởng, ô Trừng Thanh nay ở vào khoảng mé phải nhà tắm công cộng Chợ Gạo cũ, ô Mỹ Lộc nay là ngã ba đường Trần Quang Khải - Hàng Mắm, ô Đông An nay là ngã ba Trần Quang Khải - Hàng Thùng, ô Tây Luông nay là Nhà hát Thành phố, ô Nhân Hoà nay là ngã ba Trần Quang Khải - Trần Hưng Đạo, ô Thanh Lãng nay là ô Đống Mác, ô Yên Ninh nay là ngã tư phố Huế - Đại Cồ Việt (tức ô Cầu Dền), ô Kim Hoa ở ngã tư quốc lộ 1 - Đại Cồ Việt (tức ô Đồng Lầm), ô Thịnh Quang nay là ngã tư Hàng Bột - Khâm Thiên (tức ô Chợ Dừa), ô Thanh Bảo nay là bến ô tô Kim Mã, ô Thuỵ Chương nay là khoảng vườn hoa Tây Hồ ở đầu đường Hoàng Hoa Thám.
Như vậy, vào khoảng 1831 Hà Nội có 16 cửa ô. Nhưng đến năm 1866 thì mất một cửa ô. Vì xem bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức thì chỉ còn 15 cửa ô. Mất cửa ô Nhân Hoà. Và nhiều cửa ô mang tên mới: Yên Hoa thành Yên Phụ, Yên Tĩnh thành Yên Định, Thạch Khối thành Nghĩa Lập, Phúc Lâm thành Tiền Trung, Tây Luông thành Trường Long, Thanh Lãng thành Lãng Yên, Yên Ninh thành Thịnh Yên, Kim Hoa thành Kim Liên, Thịnh Quang thành Thịnh Hào.Khoảng mười lăm năm tiếp theo, cũng vẫn 15 cửa ô, nhưng Yên Định đã đổi ra Yên Ninh, Đông Hà thành Thanh Hà, Trường Long thành Cựu Lâu. Điều đáng chú ý là phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng: ở phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa, ra sông Hông có 11 cửa. Đó là vì các cửa ô chính là các cửa của tòa thành đất bao bọc quanh kinh thành Thăng Long. Ra vào kinh thành tất phải qua cửa ô. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát sự ra vào kinh thành. Song thời đó đường giao thông nối Thăng Long với bốn phương chủ yếu là đường sông, cho nên dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài tập trung ở đây. Vì vậy, phải mở nhiều cửa ô để đi lại được dễ dàng. Hai cửa ô Thanh Hà và Trừng Thanh rất gần nhau vì thời xưa cửa sông Tô Lịch nằm giữa hai ô này. Cho nên tuy gần thế mà là xa cách- cách sông cách đò.
Sau hơn 100 năm, 15 cửa ô kia chỉ còn sót lại một cửa, và trong ký ức của nhân dân chỉ lưu lại tên tuổi của sáu cửa ô mà phần lớn được gọi bằng tên nôm: ô Yên Phụ, ô Quan Chưởng (tức Thanh Hà), ô Đống Mác (tức Lãng Yên), ô Cầu Dền (tức Thịnh Yên), ô Đồng Lầm (tức Kim Liên), ô Chợ Dừa (tức Thịnh Hào). Có một cửa ô nữa đã đi vào ca dao - ô Hàng Đậu, tức Phúc Lâm - nhưng nay không ai nhắc tới nữa./.

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2008

Mùa gió chướng

Mùa gió chướng ( Tác giả : Dương Trung Quốc)

“…Chúng ta bắt đầu buộc phải sống bình thường như thiên hạ. Và cái bình thường hấp dẫn nhất đồng thời cũng là khó khăn nhất chính là làm quen với tư cách của những người sở hữu, nền tảng của dân chủ và cũng là nguồn lực của kinh tế thị trường…”
Chưa bao giờ đầu óc bị phân tâm như thời điểm này. Cuộc sống trở nên bề bộn của những chuyển đổi . Mới hơn một năm gia nhập WTO, vừa mới những ngày ngây ngất với những chỉ tiêu vượt trội, nay lần đầu tiên Quốc hội phải biểu quyết hạ thấp những chỉ tiêu phát triển kinh tế mới thông qua, ngón tay còn lưu cái cảm giác tê tê của lần ấn nút cách đây mới chừng nửa năm.
Những cơn rét đậm rét hại rồi đủ loại dịch bệnh bùng phát tứ tung; những con sông chết dần vì ô nhiễm, cả chục triệu tấn than lọt qua lỗ kim của trùng điệp các cơ quan quản lý, giá vàng thì lên giá đôla thì xuống, thanh khoản ngân hàng cạn kiệt, những nhà đầu tư chứng khoán thẫn thờ nhìn mũi tên đi xuống. Người dân đang chen lấn xếp hàng mong kiếm xuất được nộp tiền đặt cọc bao giờ nhận nhà cũng được, nay thì thị trường bất động sản đóng băng trở lại, nhiều công trình xây dựng ngưng trệ vì không đủ tiền bù đắp cho giá vật liệu thăng thiên. Giá giàu thô tăng cao nhưng không bù lại lượng dầu công nghiệp phải nhập trong khi nhà máy lọc dầu vẫn còn đang xây sau 8 năm nâng lên đặt xuống.
Các tập đoàn kinh tế hoành tráng đang bươn chải trên nhiều thị trường để duy trì đồng vốn... Một đại gia bỏ một đống tiền mua máy bay riêng mà chưa biết khi nào được cấp phép cất cánh.Nửa đêm có đại gia từ phương Nam gọi điện thì thào hỏi: "Họp ở ngoài ấy có thấy gì không chứ còn người làm ăn thì lo lắm, như ngồi trên lửa đốt vậy?". Anh lái xe ôm hàng ngày vô tư nay cũng thanh minh khi nhận tiền của khách: "Bác thông cảm, không biết làm sao mà sống với giá cả này".
Một số quan chức bỗng "tẩu hoả nhập ma" không khảo mà xưng, vác tiền thiên hạ quà cáp nộp vào công quỹ khiến báo chí lại rộ lên cuộc tranh luận thế là đúng hay sai. Kẻ khen là dại, người chê là khùng. Quan chức mới được đề bạt bị báo chí đặt lên máy soi xem con virus của lỗi lầm 18 năm trước có còn hay không. Người kết là di căn, kẻ bênh là lành bệnh. Nhà lãnh đạo đổi ý thay người như anh trọng tài trên sân cỏ thổi còi cho thắng rồi lại thổi còi rằng không...
Những nghịch lí của hiện tại. Mấy hôm nay dân chúng đang ngỡ ngàng nhìn một người từng là tội đồ hiên ngang từ chốn lao lung trở về lại rùng mình đón nhận tin hai nhà báo vào chốn lao lung bởi những lời khép tội bằng chính điều luật chống tham nhũng. Ở Quốc hội đang sôi nổi bàn việc mở rộng Thủ đô mà xem ra nó giống một cuộc du canh (nhưng không du cư) vĩ đại hơn là một đề án khoa học liên quan đến quốc kế dân sinh vì nó đặt điều kiện tiên quyết là nhập tỉnh rồi mới xây dựng đồ án. Bên các nước bạn hết bão ở bên phải, lại động đất ở trên đầu, thống kê người chết đều có rất nhiều dãy số.
Kỳ họp này, tôi gửi lời chất vấn đến người đứng đầu Chính phủ: "Đã bao giờ tính đến một kịch bản xấu nhất để ứng phó chưa?". Không biết sẽ nhận được hồi âm thế nào. Ngẫm lại mới hiểu rằng đây mới là khúc dạo đầu của một thời chuyển đổi. Nhớ lại câu chuyện mới cách đây không đến hai năm, lúc đang đứng trước ngưỡng cửa thời điểm gia nhập WTO, trong một lần "nghĩ ngợi cuối tuần" tôi đã viết và ví rằng sự kiện này đơn giản giống như lấy vợ mà thôi. Trước sau cũng lấy, xấu tốt tuỳ thuộc ở mình. Nay ngẫm lại mới thấy không đơn giản như thế.
Nước mình từ lúc khai thiên lập địa đã được ông Giời xếp cho một mảnh đất phải nói là rất đẹp. Riêng cái vịnh Hạ Long nằm kề bên cạnh đến nay thành di sản thiên nhiên của thế giới đang có cơ xếp vào "top 7" kỳ quan. Nhưng bù lại phải nằm cạnh bác láng giềng khổng lồ. Văn minh Trung Hoa phải xếp hàng đầu thiên hạ nhưng cái sức thôn tính thiên hạ thì cũng tương xứng với tầm mức của nền văn minh hàng đầu ấy. Để khỏi bị thôn tính, tổ tiên mình phải chọn một lối sống khác thường. Cái không bình thường ấy đôi khi lại làm nên những cái phi thường trong lịch sử, thường thể hiện trong việc đánh giặc giữ làng cũng là giữ nước. Thăm mấy bảo tàng của các nước có dính dáng đến chiến tranh ở Việt Nam đều hấy họ trưng ra cái mô hình địa đạo Củ Chi tựa nhà cao tầng xây trong lòng đất, hàm ý nói rằng làm sao thắng nổi cái dân tộc sẵn sàng chịu đựng gian khổ hy sinh đến chừng ấy.Cái lối sống không bình thường ấy lại chọn cho mình một mô hình sống rất nên thơ bởi luỹ tre xanh bao quanh những giếng nước, sân đình, mái chùa và một nếp sông nền nếp đất lề quê thói. Trông vậy nhưng luỹ tre làng chẳng khác một pháo đài khi có biến từ bên ngoài, lại giống cái rèm mành che chắn được cả sự xâm nhập của thói tục ngoại lai cũng như giữ gìn cái chất chân quê của dân tộc.Nhưng cái không bình thường hơn hết lại chính là sự thủ cựu gìn giữ cái trạng thái công hữu về tài sản trong làng xã mà cốt yếu là ruộng đất, tư liệu sản xuất hàng đầu của xã hội truyền thống. Chính sách quân điền trở thành tập quán mấy năm chia lại một lần với tinh thần "không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng", cái tư tưởng bình quân và câu khẩu hiệu lý tưởng "lấy của người giàu chia cho người nghèo" được coi là phương thức hành xử của công lý...
Tất cả được hỗ trợ bằng cả một kho tàng văn hoá dân gian mê hoặc từ thế hệ này qua thế hệ khác những chuẩn mực về đạo lý được gọi là truyền thống dân tộc.Nhưng cái hệ quả quan trọng nhất lại không chỉ là thế. Cách sống ấy khiến cho trong xã hội Việt Nam không thể nảy nòi được những người sở hữu. Giàu không ba họ, khó không ba đời vừa là hy vọng của người nghèo vừa là định mệnh của người giàu, khiến xã hội ta khó lòng mà phát triển. Nhưng nhờ thế mà Việt Nam trường tồn bên cạnh đế chế Trung Hoa trong suốt trường kỳ của lịch sử. Và cũng và thế mà thuở trước Việt Nam như chỉ biết đến một thế giới duy nhất là: "Thế giới Trung Hoa".Phải cho đến giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX Việt Nam mới biết đến một thế giới "Ngoài Trung Hoa" và hơn một thế kỷ tiếp đó chính là quá trình chúng ta hội nhập với trước tiên với thế giới ngoài Trung Hoa được hiểu như thế giới phương Tây và sau đó gắn với công cuộc
Đổi mới chính là với toàn thế giới mà việc gia nhập WTO chính là một cái mốc. Chúng ta bắt đầu buộc phải sống bình thường như thiên hạ. Và cái bình thường hấp dẫn nhất đồng thời cũng là khó khăn nhất chính là làm quen với tư cách của những người sở hữu, nền tảng của dân chủ và cũng là nguồn lực của kinh tế thị trường.Cái đang diễn ra trong lòng xã hội ta trong quá trình Đổi mới, đặc biệt là đựơc thúc đẩy mạnh mẽ bởi việc gia nhập WTO chính là quá trình chuyển đổi sở hữu mà thuật ngữ một thời được gọi phổ quát là "thời kỳ tích luỹ tư bản chủ nghĩa" đang diễn ra. Trong thời kỳ này, mọi người đều trong cơn "khát sở hữu" nhưng vẫn giữ lại những tập tính và quán tính của những hệ thống giá trị đã cũ khiến cho mọi cái trong hành xử cũng như trong suy nghĩ đều chưa thể bình thường.
Tìm sự giải thích hiện tại bằng cách giải thích quá khứ một cách rối rắm như vậy chưa hẳn đã thuyết phục được ai. Nhưng bằng cách đó nó làm cho ta yên lòng trong cơn chuyển đổi, trong quá trình tự lột xác nên nhiều giá trị còn mơ hồ giữa một thời đầy rẫy những giá trị ảo và giả. Âu cũng là một viên thuốc an thần để tạm giải thích những điều chưa thể giải thích. Giống như đi biển trong mùa gió chướng phải lựa gió mà căng buồm.
Dương Trung Quốc

Có bao nhiêu cửa ô của Hà nội ?



Ô quan chưởng



Hà Nội vui sao
Những cửa đầu ô
Tíu tít gánh gồng
Đây ô chợ Dừa, kia ô Cầu Dền
Làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm...


Các cửa ô Hà Nội đã được nêu trong nhiều tác phẩm văn thơ, âm nhạc. Lời ca bất hủ trên đây trong bài ca Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã làm xao xuyến hàng triệu con tim khi nhắc tới tên các cửa ô của Hà Nội. Nhạc sĩ Văn Cao khi sáng tác bài ca Tiến về Hà Nội đã viết: "Năm cửa ô tiến về". Nhiều người tự hỏi: "Hà Nội có bao nhiêu cửa ô?".


Hiện nay, người Hà Nội thường quen kể tên những cửa ô: Yên Phụ, Quan Chưởng, Đống Mác, Cầu Dền, Đồng Lầm, Chợ Dừa.Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hà Nội đã có nhiều cửa ô, con số các cửa ô thay đổi theo thời gian. Ca dao Hà Nội không có bài nào thống kê các cửa ô như đã thống kê các phố phường xưa:
Hà Nội ba sáu phố phườngHàng Mắm,
Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh...
Muốn tìm hiểu đích xác các cửa ô, phải tra cứu trong sách vở, thư tịch cũ. Đây là việc khó khăn. Vì rằng, các sách vở, thư tịch còn lại từ thời Lê trở về trước thảng hoặc mới nhắc tới một vài cửa ô.
Tôi muốn các bạn cùng tham gia tìm hiểu có bao nhiêu của ô...

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2008

Hướng ra biển lớn



COMATCE chính thức thành lập ban quản lý dự án tàu biển 28/6/2008.

Với quyết tâm hình thành 1 đội tàu biển 40.000 DWT. Tương lai vẫn còn ở phía trước,và còn rất nhiều khó khăn , thách thức phải vượt qua. Nhưng đó la một bước ngoặt lớn để hướng tới tương lai...

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2008

Bên kia Sông Hồng


Sông Hồng mang đặc tính của từng mùa: khi trong, khi đục. Có người bảo sông Hồng mùa nào cũng đục. Nếu nói như ai đó thì quả là người ấy chưa biết sông Hồng, mới biết qua cái tên của nó. Sông Hồng cuối mùa đông và giêng hai về mùa xuân nước cũng trong. Nhưng chất lượng nước trong sông Hồng Hà Nội không giống bất cứ nước trong của một dòng sông nào. Khi đỏ chói như pha son về mùa lũ, khi phớt hồng như hoa đào về mùa thu, khi mang màu vàng như hoàng hôn, như màu gạch của lũ sông Đà, sông Lô, sông Chảy trộn vào. Về mùa xuân, nước trong pha chút hồng nhẹ như má người con gái phớt nhẹ qua một chút phấn hồng. Ta phải lấy đôi bàn tay chụm vào nhau vục lấy vốc nước mới thấy cái màu đặc biệt không có ở bất kỳ một dòng sông nào. Sông mang tính dữ dội, hung hãn của mùa lũ, dáng lơ thơ, dìu dặt của mùa khô. Suốt cả một chiều dài của thành phố Hà Nội in bóng xuống dòng sông như một bức tranh hoành tráng vĩ đại.


Cuộc sống đời thường xô bồ, nhốn nháo, ít ai có một đôi lần ngắm dòng sông, ngắm cảnh sông mà cảm ơn ông cha ta đã có một tầm nhìn muôn đời, chọn vùng đất mở ra một kinh thành. Là người Hà Nội, ai đã có lần đứng bên này dòng sông ngắm sang bờ bắc và từ bờ bắc ngắm về Hà Nội, hay thong thả bước chân đi dạo trên mấy chiếc cầu để ngắm dòng sông? Phải chăng cách nghĩ, sự thưởng ngoạn tao nhã không mất tiền mua, đó mới là sự giàu có của tâm hồn người Hà Nội thanh lịch. Các cụ ta đã không quên dòng sông có "làn sóng hoa đào"! Thiên nhiên đã dành cho Hà Nội cả một dòng sông để con người xây nên những "lầu cao dễ chạm tới tầng xanh"...". Cha ông ta đã nhìn ra cái thế núi, hình sông, nơi "Rồng cuộn, Hổ ngồi (để) truyền lại cho con cháu muôn đời mai sau...", là chúng ta bây giờ được hưởng.

Quả vậy, nếu biết Hà Nội chỉ để biết cái đẹp trong nội thành, chưa một lần chiêm ngưỡng toàn cảnh sông Nhị với kinh thành, để thấy được tấm lòng và con mắt tinh đời của tổ tiên, phải chăng cũng là có lỗi với người xưa lắm. Phải nhìn từ cái bờ bắc này mới thấy hết: Đêm trăng-sông Hồng-thành phố. Trời! Tuyệt quá! Đúng là rồng đang lên!...". Mấy người bạn cứ ngồi lặng trong đêm nhìn về Hà Nội không biết chán. Suốt từ phía dưới cảng Vĩnh Tuy, phà Đen ngược lên Yên Phụ, cầu Thăng Long. ánh điện lung linh, những ngọn đèn cao áp như những vì sao xanh, những ngọn đèn màu từ trong những cửa sổ nhà cao tầng, ngôi cao, ngôi thấp nhấp nhô như con rồng vàng uốn khúc đang bay lên. Những vì sao trên trời và đèn thành phố chen nhau dưới dòng sông như được làm bằng thạch đen. Những vì sao cho ta cảm giác đó là những bông hoa nhài thả bập bềnh trên sông, vầng trăng là bông hồng vàng đang mở cánh. Ta như cảm thấy dòng sông thơm lên trong đêm, có thể bốc từng miếng thạch đen trong lòng bàn tay mà ăn được. Và chất phù sa đang hoá thạch đen kia đang sóng sánh nâng lên, dập xuống những bông hoa là trăng sao luôn luôn biến đổi khi tỏ, khi mờ bởi những áng mây ra thấp bị gió cuốn chuyển vận trên bầu trời.


Thế kỷ 21 đang tới. Thủ đô Hà Nội chúng ta đang chuẩ bị mừng tuổi thứ 1000 năm khai sinh ra Kinh thành Thăng Long. Những phương án phát triển thủ đô sang bờ bắc sông Hồng đang còn nằm trong trí tuệ và tâm hồn, trái tim những con người yêu đất rồng lên. Sang thế kỷ sau ấy, không những sông Hồng mà cả một vùng sông Đuống sẽ nằm trong nội thành. Những phố phường ven những ngả sông Hồng, sông Đuống, ta chỉ hình dung ra trong trí tưởng tượng thôi, cũng đã thấy Hà Nội ngày mai là một bức tranh rực rỡ trong đầu. Hẳn những quãng sông sẽ mọc thêm những cây cầu mới, cho xe pháo đi về không phải đi vòng lên, vòng xuống những nẻo đường cầu xa nhau. Và những đêm trăng, người bờ nam kẻ bờ bắc muốn dạo gót trên cầu ngắm cảnh trăng sông thủ thỉ tâm tình cùng nhau, hẳn sẽ là cái thú của nhiều người.