Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2009

Lẳng lặng mà nghe “họ” ... chúc nhau!


Trước tiên xin các bạn miễn thứ cho điều này: Nguyên văn câu thơ của nhà thơ trào phúng đất Non Côi sông Vỵ mà ai ai cũng thuộc, là: "Lẳng lặng mà nghe "nó" chúc nhau"; nhưng kẻ hậu sinh này xin được dùng chữ “họ”.
Bởi nhẽ thời Cụ, có thể sự nhận diện quan thanh liêm, quan chính trực hay quan tham... là khá dễ dàng! Dễ, nên Cụ chả sợ gì, cứ thẳng ... miệng gọi bọn họ là "nó" (mặc dù Cụ chưa chắc đã lớn tuổi hơn... "nó"!). Bây giờ "tham nhũng" lại có khi là "đồng chí" của mình, là “cấp trên” của mình, là cái nhà ông đã từng đứng trên bục rao giảng "đạo đức Cách Mạng" cho mình; thì dù Cụ Tú có cho phép, tôi, kẻ viết bài này cũng không dám gọi bằng ... "nó"! Thôi, gọi "họ" cho nó lịch sự.
Thời đại bây giờ, "sống và làm việc theo pháp luật", nên càng phải thận trọng. Đã nói đến pháp luật thì điều trước tiên là phải có bằng chứng - không bằng chứng, dễ mắc tội vu khống lắm. Cho nên mới thấy "có biểu hiện... " mà đã gọi người ta bằng "nó", bằng "đứa" như Cụ Tú thời xưa, thì vô phép, có ngày chuốc họa vào thân!
Trước kia, trong ngày Tết truyền thống, cán bộ và nhân dân mình cũng chúc nhau; nhưng là chúc "mạnh khỏe", "hạnh phúc", chúc "thi đua yêu nước", chúc "làm việc bằng hai", chúc "lập chiến công", "lập thành tích",... chứ tuyệt không có chúc giầu sang. Đặc biệt cái từ "thăng quan tiến chức" bị giấu biệt!
Những Tết đầu tiên nghe mấy cán bộ Nhà Nước mình chúc nhau: "an khang thịnh vượng", nhiều người đã thấy "chờn chợn", ngường ngượng, khó lọt tai lắm! Lâu dần nghe nhiều, mới thấy quen. Người chúc cũng cười, mà "xếp" cũng cười! Vui vẻ, đầm ấm, sung sướng và hạnh phúc lắm! Rồi “cơ chế thị trường” ngày càng phát triển, người ta không chỉ chúc xuông, mà còn dâng tặng nhau những "lễ" rất hậu. Hậu đến mức nào ư? Thông thường là những phong bì USD, rồi có khi cả một chiếc xe hơi đời mới hay một lô đất cũng nên (nhưng chẳng có bằng chứng đâu, dân ngồi bệt dưới đất thì làm sao có bằng chứng được? Nói nghe biết vậy thôi đấy nhé!). Thế là "lời chúc" lập tức thành hiện thực! Hơn cả trò ảo thuật của nhà ảo thuật lừng danh thế giới "Cooc-pơ-phin"! Cụ Tú mà sống lại, phen này buôn "lọng", nuôi gà, chắc chắn đều lãi to! Mà Cụ Tú cũng thật lẩm cẩm, ai lại đi lo "trăm nghìn vạn mớ để vào đâu?". Để kho bạc, để vào thẻ ATM, nhiều nữa thì gửi sang ngân hàng nước ngoài. Một cú "kích chuột" là xong - thời đại "a-còng" mà! Đâu có lạc hậu như cái thời Cụ?!. Cho nên thiên hạ hãy lắng nghe:
"Lẳng lặng mà nghe "họ" chúc nhauChúc cho toại nguyện cả sang… giàuCon đường… luồn lách thênh thang mãiSuốt cả đời này đến kiếp sau…
Vâng! Dân mình từ lâu đã có nếp sống văn minh không còn đốt pháo vào dịp Tết nữa. Thật yên tĩnh, tha hồ “lẳng lặng mà nghe...!”

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

Văn tế tử sĩ ...Chứng khoán

Xưa cụ đồ Chiểu có bài "Văn tế nghĩa sĩ", nay các nhà đầu tư chứng khoán cũng tự mình khóc thương cho mình bằng "Văn tế tử sĩ... chứng khoán". Tử sĩ ở đây là những kẻ đã vì sự nghiệp chứng khoán mà hy sinh tiền của..

Hỡi ôi!
Thị trường sụp đổ,
Lòng người đau khổ
Ki cóp bằng lao động khó nhọc mười năm
Tiền rủng rỉnh há cũng nổi danh
Mà một thoáng lên sàn
Tiền mất, tật mang tiếng vang như mõ
Nhớ khi xưa:
Chịu khó làm thêm
Tiền không nhiều
Nhưng cũng đủ đưa vợ đi xem phim, ca nhạc
Bản tính thật thà
Việc lăng xê, làm giá
Chẳng bao giờ biết!
Sàn chứng khoán đã mở nhiều năm
Chẳng muốn tham gia
Ghét trò buôn lận bán gian
Như nhà nông ghét cỏ!
Nào ngờ thị trường nổi lên:
Mỗi ngày kiếm năm phần trăm
Hỉ hả tiền vào ra
Vợ con nở mặt, nở mày
Chẳng phải chém rắn, đuổi hươu
Vẫn khen giỏi quá!
Phen này xin ra sức đoạn kình
Chẳng thèm làm thêm, chẳng thèm xin vợ
Mở túi xắn tay đi hốt bạc.
Khá thương thay!
Vốn chẳng phải nhà đầu tư, kinh tế
Theo đuôi đi làm ăn
Chẳng qua chỉ là xe ôm, giúp việc
Thích thì lên sàn
Việc tính toán chẳng bao giờ rõ
Chẳng biết tài chính là gì
Vẫn đặt lệnh nọ kia
Vẫn lời lãi ăn chia đủ cả
Hồng hộc xốc tới, coi tiền như không
Mặc ai cảnh báo nhỏ to
Chen lấn lên sàn, liều mình như chẳng có
Kẻ mua cao, người bán thấp
Làm cho mọi người trợn mắt hồn kinh
Trối kệ tiền của nhà, tiền nợ
Vẫn lăm lăm lời lãi đến cùng
Đâu biết xác phàm vội bỏ
Thị trường mới đỏ có vài phiên
Đã tranh bán với nhau
Tiền thu về không đủ nợ
Nuôi béo mấy thằng Tây
Trăm năm thì trường nói ấy là chữ MÊ
Chẳng bao giờ vinh quy với vợ
Ôi thôi thôi!
Chùa Trấn Quốc năm canh ưng đóng lạnh
Chút lòng tham xin trả lại ánh trăng rằm
Tiền với bạc trôi theo dòng nước đổ
Tiếc tiền quá, mẹ già ngồi khóc trẻ
Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng.
Ôi!
Một trận chơi hoang
Ngàn ngày chết dở
Thương vì hai chữ thiêu thân
Cây nhang nghĩa khí thắp nên thơm
Nói một câu quá khổ...
Thương thay nhà đầu tư nhỏ!!!
Thương thay

Mua xuân 2009