Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

Bia Hà nội

Bia bình dân, bia cao cấp
Tôi và mấy ông bạn bia thường rủ nhau đến một phố nhỏ trong khu phố cổ, cũng ngay gần nhà để uống bia. Hầu như vào các buổi chiều, chúng tôi đều có mặt ở đó. Đó là một quán bia vỉa hè, chiều chiều những chiếc bàn được bày la liệt ra vỉa hè. Quán này đúng nghĩa bình dân, loại bia được bán là bia Việt - Pháp, giá 3.500đ/cốc. Nhiều quán bia vỉa hè khác thì bán bia Việt Hà, giá 4.500đ/cốc, hoặc bia Hà Nội 6.000đ/cốc, chất lượng cũng bình dân và cả đồ nhắm cũng rất bình dân, gồm lạc rang, nem chua, mực nướng, bánh đa...Ở nơi đây có đủ loại người, từ những ông xe ôm, anh xe thồ, người buôn bán ở chợ và cả những viên chức tụ tập nhâm nhi sau giờ làm việc. Càng không thể thiếu đám thanh niên choai choai cụng ly ồn ào. Ngồi đây, ai cũng bình đẳng như ai, cùng vui vẻ thưởng thức cốc bia mát lạnh. Sự xô bồ, náo nhiệt, ngồi vỉa hè uống bia ngắm phố cũng chính là một nét riêng thu hút thực khách. Thực tế đó cũng cho thấy, việc quản lý kinh doanh trên vỉa hè Hà Nội đã bị thả nổi.Chuyện bia hơi vỉa hè là vậy, nhưng cũng phải kể tới các loại bia cao cấp. Để uống các loại bia cao cấp, bạn chỉ có thể tới nhà hàng. Ở đây, thường bán bia chai hay bia lon như Heineken, Carlsberg, Sài Gòn, Hà Nội... Nhiều người Hà thành vào quán thích uống bia tươi.Giá bia tươi bình dân như Halida Draught Master khoảng 9.000 - 10.000đ/cốc, cao hơn có bia Đỏ 13.000đ/cốc, bia Tiệp 35.000đ/cốc. Ngoài ra các loại bia vàng, bia đen đều có giá không hề rẻ - từ 15.000đ - 60.000đ/cốc. Các nhà hàng cao cấp loại này mấy năm gần đây đều mọc lên như nấm và lúc nào cũng đông nghịt khách. Từ thiết kế nhà hàng đến phong cách phục vụ và đồ ăn đều thể hiện đẳng cấp của nhà hàng.
Ai quản chất lượng bia?
Người uống bia sợ nhất là chất lượng. Bia rẻ tiền là loại bia không tên, thường gọi là bia cỏ, giá chỉ khoảng 1.500đ đến 2.000đ/cốc, do các cơ sở tư nhân sản xuất chui. Những loại bia này được bán trong các ngõ ngách của các khu lao động, khu ngoại ô Hà Nội. Rất nhiều người uống loại bia này đã phải chịu cảnh đau đầu, bí tiểu... Chúng được sản xuất ở hàng trăm lò nấu bia thủ công - rải rác ở rất nhiều nơi và rất khó để có thể kiểm soát chất lượng hay an toàn vệ sinh thực phẩm.Bia có tên cũng có nỗi sợ riêng. Tại các quán bia hơi vỉa hè, vào những thời điểm đông khách, do không đủ cốc, các quán bia thường tráng qua nước rồi sau đó lại dùng rót bia tiếp, nên thức ăn cũng như mỡ bám trên thành cốc không được rửa sạch cũng là một tác nhân gây ảnh hưởng tới sức khoẻ. Bia lại thường bị pha với bia cỏ, bia cũ, nên chất lượng ít khi đảm bảo như bia nguyên chất của các nhà máy.Còn các loại bia tươi, có một thực trạng là tại các xưởng bia tư nhân, vì lợi nhuận, họ chỉ ủ bia ít ngày mà không theo quy trình tiêu chuẩn. Ngoài ra, nhiều xưởng bia tư nhân dùng nước giếng khoan, còn men bia thì bị bớt xén đến mức tối đa để tiết kiệm, nên bia thường có vị đắng do chưa xử lý hết nhiều tạp chất độc hại.Không những thế, do ủ chưa "chín" nên hàm lượng cồn cao, các loại bia này cũng dễ gây đau đầu. Thậm chí, có rất nhiều xưởng bia không hề tráng rửa các thùng bia cũ mà cứ tiếp tục bơm bia vào rồi bán, thậm chí bia cũ trộn với bia mới, rồi thêm CO2 vào để bán.Dân sành uống bia chọn lựa cho mình những quán, những nhà hàng uy tín. Nhưng dân ghiền bia, dân ít tiền mà việc uống bia đã thành thói quen, thì những vấn đề như trên đối với họ chỉ là gió thoảng qua. Điều quan trọng nhất đối với họ vẫn là thưởng thức hương vị mát lạnh của bia và cùng tán dóc với bạn bè.

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2008

Những con tàu chuẩn bị ra " GIÀNG "




Thế là hơn 1 năm các đoàn số 4 số 5 và số 6 mới có thể ra nhập lực lương của thủy quân COMATCE. Chậm nhưng mà chắc chắn sẽ ra... còn hơn là ra "lẻ tẻ".
Đô đốc "Không quân" chắc là có nhiều việc phải làm.
Có thể là 10/10/2008 sẽ khai tàu ... trùng với ngày giải phóng thủ đô.
Đúng là "Bao giờ cho đến tháng 10".




Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2008

Giáo dục và phát triển

Bạn bè đến thăm Việt Nam ai cũng thấy đất nước nầy "phát triển" nhanh quá, thay đổi từng ngày. Nhà cửa dinh cơ đâu đâu cũng san sát mọc lên như nấm, cái sau cao to hơn cái trước.
Từ Bắc chí Nam, đường sá mở mới, mở rộng đều khắp. Làng mạc phố phường chi chít hố đào, hầm móng.
Sài Gòn - TP Hồ chí Minh chăng đầy "lôcốt", công trường chiếm hết lòng đường, bờ sông không trừ đường nào.
Người từ phương xa thỉnh thoảng về lại chốn cũ đa phần bỡ ngỡ không tìm được lối vào. Người trong nước, chỉ cần ở yên trong nhà độ vài tháng, khi ra ngoài có thể không nhận ra con đường cuối phố mình ở…
Việt Nam thay đổi nhanh như vậy đó.
Về xây dựng vật chất thì đúng là như vậy. Nhưng về tinh thần thì sao?

Ai cũng biết, theo báo cáo chánh thức trước đây một năm, Đồng Bằng Sông Cửu Long là vùng có kết quả học hành thấp nhất so với cả nước. Nhưng lại là vùng làm ra lúa gạo nuôi cả nước .
Không phải vì con người ở đây không hiếu học như có người đã nói, mà vì ngân sách giáo dục thường bị hạn chế hay du di, cắt xén tùy tiện. Và lãnh đạo đất nước vốn bị bệnh thành tích nặng, đặc biệt về thành tích "phổ cập giáo dục".
Ở Malaysia, trẻ con cho tới 18 tuổi đi học không phải trả tiền. Nghĩa là chế độ "cưỡng bách giáo dục" đã được triệt để áp dụng, không chỉ ở bậc tiểu học mà cả ở bậc trung học, từ lâu. Con nhà đặc biệt nghèo còn được trợ cấp riêng để không bỏ học đi làm trước tuổi được cho phép…
Giáo dục đại học có vai trò cơ bản trong việc thúc đẩy những tiến bộ kinh tế - xã hội, sáng tạo tri thức và kích thích sự đổi mới cho đất nước như thế nào, xưa nay trên thế giới ai cũng biết.
Thế nhưng, theo báo cáo năm 2006 của Ngân Hàng Thế Giới và các số liệu thống kê đáng tin cậy khác thì Việt Nam đang tụt hậu so với các quốc gia trong vùng, so với các nước trước đây không hơn gì Việt Nam, có khi còn kém, với chỉ 2% dân số có thời gian đi học là 13 năm hoặc hơn.
Việt Nam cũng đứng chót toàn vùng về số người trong độ tuổi từ 20-24, tức sau trung học, được học tiếp lên đại học, với tỷ lệ là 10%. Trong khi Trung Quốc là 15%, Thái Lan là 41%, và Hàn Quốc là 89%.
Cho niên học 2008-2009, cả nước Việt Nam có 1,8 triệu thí sinh tranh nhau 300.000 chỗ học đại học. Tức có 5/6 thanh niên học hết trung học phải chạy chỗ để học nghề, nhưng cũng không dễ, cũng thất học và thất nghiệp dài dài, vì việc đào tạo nghề luôn bị phó mặc, thả nổi…
Cũng theo các số liệu đáng tin cậy kể trên thì, trong năm 2006, các giáo sư và sinh viên trường Đại học Quốc gia Séoul đã công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế 4.556 báo cáo khoa học. Đại học Bắc Kinh có 3.000 báo cáo.
Riêng Hà Nội có được 34 báo cáo, cho hai trường Đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa cộng lại!
Ngân Hàng Thế Giới cũng cho biết , về đơn xin cấp bằng sáng chế trong năm 2006, Trung Quốc có 40.000 đơn (bốn mươi ngàn), và Việt Nam có 02 đơn (hai ).
Cũng được biết - và điều nầy là do đàn hậu tấn của chúng ta cho biết - số người có bằng cấp cao ở nước ta ngày càng đông, đặc biệt trong giới cầm quyền lãnh đạo các cấp các ngành từ thấp đến cao của đất nước.
Nổi rõ nhất là trong các kỳ bầu cử các cấp lãnh đạo chánh quyền : không có ông bà ứng cử viên nào, nhất là các ông bà được chánh thức cho ra ứng cử, mà không trưng bằng cấp đầy người, coi đó như là những đảm bảo chắc và đủ cho tài đức kinh bang tế thế của mình…
Tuy nhiên, nếu giáo dục đại học là nền tảng chính yếu để phát triển quốc gia và đổi mới đất nước, thì câu hỏi được đặt ra là : sự "phồn vinh" nhận thấy ở trên do đâu mà có ?
Do chắt chiu từ nội lực và vốn tích lũy của số đông người có cái học bị bóp nghẹt là chính , hay do của vay mượn từ bên ngoài?
Nếu là do của vay mượn từ bên ngoài là chính, cộng với tham nhũng lãng phí ngất trời như hiện nay, thì con cháu chúng ta biết mấy đời kéo cày mới trả hết, khi đất đai để cày cuốc cũng không còn?
Và sự nghèo nàn sáng tạo về mọi mặt, đối chọi nhức mắt với sự phồn vinh đột biến đang diễn ra, có là kết quả tất yếu hay là nghịch lý của khối lượng bằng cấp đại học và trên đại học đáng nể của giới lãnh đạo cầm quyền đất nước, trong đó có lãnh đạo cầm quyền ở bậc đại học?